Long Phú là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 28,56% dân số toàn huyện, với hơn 32.560 người, sinh sống tập trung đồng nhất ở các xã, Long Phú, Tân Hưng, Trường Khánh và thị trấn Long Phú. Năm 2010, tỉnh chọn xã Trường Khánh làm điểm chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2011, huyện Long Phú triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nền kinh tế của huyện có xuất phát điểm thấp. Thời điểm đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường chưa đồng bộ, đa số nhà dân không có cổng, hàng rào, sinh hoạt thiếu ngăn nắp, vệ sinh. Mức thu nhập bình quân đầu người thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn; nhất là đồng bào Khmer. Do đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Long Phú tập trung chỉ đạo các xã nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện, nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc một cách toàn diện, nhanh, bền vững. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng; từng bước hình thành các Trung tâm kinh tế - văn hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác quốc phòng toàn dân.
Chú thích ảnh: Đồng bào Khmer tích cực làm đẹp phum – sóc.
Đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Long Phú đạt được kết quả khá toàn diện. Tính đến tháng 11 năm 2019, toàn huyện có 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Trường Khánh là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thực hiện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới vào tháng 05 năm 2015, và hiện đang xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại có đông đồng bào Khmer sinh sống như Tân Hưng và xã Long Phú, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020. Có thể nói, diện mạo nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng đổi mới tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều điện của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể trong huyện còn có sự đồng tình hưởng ứng tích cực của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Đồng bào Khmer trong huyện tích cực khắc phục khó khăn, thực hiện đạt những tiêu chí hộ gia đình nông thôn mới. Quan tâm tạo điều kiện cho con em học tập, tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà cửa, phum – sóc, bảo quản tốt những công trình sáng – xanh – sạch – đẹp của các tổ chức đoàn thể, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư.
Nhằm nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là tại các vùng đồng bào Khmer, chính quyền huyện Long Phú, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nêu cao vai trò của Nhân dân là chính, dựa vào nội lực của Nhân dân để khơi dậy tính tích cực, tự giác tham gia của cả cộng đồng, trong đó có đồng bào Khmer, các thành phần kinh tế cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng nông thôn mới.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của huyện Long Phú theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan Nhà nước cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, chung lòng xây dựng làng quê phum sóc nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó, trọng tâm là giám sát việc bảo vệ môi trường, đẩy mạnh triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất, tăng thu nhập; xây dựng cảnh quan môi trường; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư.
Bài và ảnh: Sóc Ca.